Monday, July 29, 2013

Mirordor - Chính Danh và Chính Trị

KHDS - Mirordor – Chính Danh và Chính Trị

chinhtriHuỳnh Thục Vy đăng bài Danh Dự và Trách Nhiệm [1] trên Đàn Chim Việt. Bài viết có chủ đích nói về sự quan trọng của việc nêu danh tính của người viết, nhất là khi viết về “những bài nghị luận hoặc tản văn bày tỏ quan điểm của người viết” vì “nếu tác giả ẩn danh thì khó có thể thuyết phục được độc giả”.
Có một số độc giả góp ý ca ngợi HTVy nhưng bao nhiêu độc giả hiểu hay đồng ý với quan điểm của tác giả thì tôi không hay vì những người góp ý dùng biệt danh thay vì dùng tên thật! Rất có thể rằng những người góp ý đó không nghĩ việc góp ý có thể được xem như là bài nghị luận hay tản văn hay chỉ những góp phần bày tỏ quan điểm của người viết.

Dù sao chăng nữa, một người bạn góp ý khá dài về chữ danh, và về học thuyết Chính Danh với ý kiến là ta nên cổ xướng lại Nho học và theo đường lối chính trị của Khổng Tử trong thời nhiễu nhương này. Việc này làm tôi liên tưởng đến những nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh [2], và phân vân người thời nay hiểu thế nào về những lời “giáo huấn” đã được người đời gán vào miệng thánh hiền Trung Hoa ngày xưa. Tôi viết một phản hồi cho bạn và phản hồi hiện lên dưới bài viết của HT Vy, dưới dạng … ẩn danh!

Thôi thì đã chót vung bút thì phải … theo bút vậy và viết thêm vài giòng để mạn bàn về đề tài Chính Danh. Vì tôi không phải thuộc hạng người có thể được HT Vy hay người đời xem như “danh tính và trách nhiệm của tác giả có giá trị hơn nhiều so với điều tác giả viết”, xin tự giới thiệu. Thân phụ tôi là đồng sáng lập viên của hội Cổ Học tỉnh Quảng Nam hồi giữa thập niên 1950. Ông cụ viết khá nhiều về Nho học và dù muốn dù không, vì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, tôi cũng biết ít nhiều về sử sách Tàu, và không lạ gì về những cuộc tranh luận thời đó về giá trị của Nho học. Thế nhưng tôi đồng thời cũng chịu một ảnh hưởng khác chiều từ mẹ và chị. Mẹ và chị của tôi là những nạn nhân của tập tục xã hội và gia đình còn sót lại từ thời Nho học. Bên tình bên hiếu, tôi nghe lời cha dạy về trật tự quân-sư-phụ, và nhìn mẹ và chị âm thầm chịu đựng thân phận đàn bà trong một xã hội trọng nam khinh nữ, và trở thành người vô tôn giáo.

Vì những hoạt động chấn hưng Nho giáo của cha, tôi đã nghe nhiều về hai chữ Chính Danh từ thưở bé. Lớn lên tôi chịu khó tìm hiểu lại và đi đến kết luận là rất có thể rằng học thuyết Chính Danh không phải do Khổng Tử đặt ra nhưng do người đời sau gán cho ngài, sau khi đọc những trao đỗi giữa Khổng Tử với môn đồ và với những người vấn kế ngài. Mời độc giả đọc lại đoạn trao đổi sau đây giữa hai thầy trò Khổng Tử-Tử Lộ trích từ cuốn Luận Ngữ :

子 路 曰 : 衞 君 待 子 而 爲 政 , 子 將 奚 先?
子 曰 : 必 也 正 名 乎 !
子 路 曰 : 有 是 哉! 子 之 迂 也. 奚 其 正 ?
子曰: 野 哉 由 也 ! 君子於其 所 不 知 , 盖 闋 如 也 . 名不正 , 則 言 不 順; 言不 順 , 則 事 不 成 ;
事 不成 , 則 禮 樂 不興 ; 則 禮 樂 不 興 , 則 刑 罰 不中 ; 刑 罰 不中 , 刑 民 無 所 措 手 足 .
故 君 子之名 必 言 也 , 言 之 必 行 也 . 君子 於其 言 , 無 所 苟 而 已 矣 !


Đọc theo lối Hán Việt
Tử Lộ viết: Vệ quân đãi Tử nhi vi chính, Tử tương hề tiên?
Tử viết: Tất dã chính danh hồ!
Tử Lộ viết: Hữu thị tai, Tử chi vu dã, Hề kỳ chính?
Tử viết: Dã tai Do dã! Quân tử ư kỳ sở bất tri, cái khuyết như dã. Danh bất chính tắc ngôn bất thuận. Ngôn bất thuận tắc sự bất thành. Sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng. Lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng. Hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc. Cố quân tử danh chi tất khả ngôn dã. Ngôn chi tất khả hành dã. Quân tử ư kỳ ngôn vô, sở cẩu nhi dĩ hỹ!

Độc giả có thể cần hiểu rằng chữ Tàu thời Khổng Tử không giống như những giòng chữ ở trên. Giấy chưa được phát minh vào thời ngài (di tích khảo cổ sớm nhất về giấy được tìm thấy ở Tàu trong thể kỷ thứ II TCN). Thời đó sách vở được viết trên lụa hay trên các thẻ tre nên chỉ những người có phương tiện mới biết đọc, biết viết. Chữ của Tàu, như chữ Hán mà ta quen thuộc ngày nay chưa được thống nhất cho tới thời Tần Thủy Hoàng gần cuối thế kỷ thứ III TCN. Dĩ nhiên Khổng Tử phải dùng một lối bạch thoại nào đó dể giao thiệp với đời – Tàu có quanh 700-800 thổ âm địa phương thời đó, nhưng vì thẻ tre và lụa không có nhiều để viết sách, người Tàu đặt ra lối viết “cổ văn” để đở tốn “giấy mực”.  Cổ văn ngắn gọn, không đòi hỏi văn phạm cầu kỳ và chỉ dài bằng nửa cách nói/viết bạch thoại; khổ một nỗi là viết ngắn gọn và cô đọng ý tứ sẽ làm câu văn khó hiểu. Cổ văn cũng không có chấm, phết, dấu hỏi hay chấm than; nếu ta thêm vào đó hiện tượng tam sao thất bổn (cho tới khi người Tàu phát minh ra cách in bản gỗ quanh giữa thiên niên kỷ thứ nhất SCN) thì ta có thể hiểu rằng những gì ta đọc bây giờ chưa hẳn phản ảnh đúng những gì Khổng Tử muốn nói 25 thế kỷ trước. Đọc không hiểu thì dĩ nhiên dịch cũng có thể tào lao và tôi đã thấy nhiều bản dịch Việt và Anh ngữ khác nhau cho cuộc đối thoại để đời bằng cổ văn ở trên. Dưới đây là bản dịch của tôi:
Tử Lộ hỏi: Nếu vua nước Vệ mời thầy về giúp cai trị nước, thầy làm gì trước?
Khổng tử đáp: Tất phải dùng chính danh vậy!
Tử Lộ hỏi: Thật vậy sao? Thầy nói viễn vông quá! Chánh nghĩa là sao?
Khổng tử đáp: Anh Do quê mùa này! Người quân tử không biết gì thì không nói. Danh không chánh tất lời nói không thuận. Lời nói mà không thuận tất việc chẳng thành. Việc chẳng thành thì tất lễ nhạc không hưng thịnh. Lễ nhạc không hưng thịnh thì tất hình phạt chẳng đúng phép, hình phạt mà không đúng khuôn phép thì tất dân không biết đặt tay chân vào đâu. Cho nên đã mang danh quân tử thì ăn nói được, mà nói ra được tất làm được. Người quân tử nói ra không cẩu thả được!
Trong bài đối thoại đó có hai chữ đồng âm “chính” (hay còn đọc là chánh) nhưng với nghĩa khác nhau. Chữ chính 政 đầu, Tử Lộ dùng là chính trị, lèo lái đất nước. Chữ chính 正,  Khổng Tử dùng có nghĩa là ngay thẳng, ở giữa, hay đúng. Đúng cho ai? Đúng theo tiểu chuẩn nào?
Chữ trị 治 trong chính trị có nghĩa gốc là kiềm chế, dìu dắt hay ép buộc giòng sông, như trong động từ “trị thủy”. Chữ trị chưa được tìm thấy trong các chữ khắc trên mu rùa hay đồ đồng nên ta không biết thời Khổng Tử đã có khái niệm chính trị như ta hiểu thời nay chăng? Nhưng ta có thể thấy rằng việc chính trị có thể tốt cho nước nhưng chưa chắc đã thuận với lòng dân.
Chữ danh 名 có một nghĩa là tên như trong danh từ “tên họ” và đây là nghĩa mà HT Vy muốn dùng khi nói đến những người viết ẩn danh. Danh còn có nghĩa là danh vọng, danh dự, tiếng tăm, địa vị, và không chỉ có một nghĩa đơn thuần là tên cúng cơm. Ta nên hiểu chữ danh như trong câu nói “nhân danh cha, con, và thánh thần, amen”. Danh đây là tên của cái tư thế, chức vị hay công việc ta đảm nhận. Nhưng danh cũng có thể hiếu là cái đối tượng của công việc mà kẻ sĩ làm như trong câu “nhân danh dân tộc Việt, tôi thề hy sinh bảo vệ đất nước chống ngoại xâm”. Khi Khổng Từ nói “danh chính, ngôn thuận” ông muốn nói về người xưng danh là quân tử. Người mang danh quân tử không nói gì khi không biết, và chỉ nói thẳng, thận trọng, không lươn lẹo khi biết. Nếu bản thân không xứng đáng làm người quân tử thì ăn nói không thông – và không nên hoạt động chính trị.
Chúng ta nể phục những gì người đời sau gán cho các bậc thánh hiền quá và đôi khi ta quên nghĩ về họ trong bối cảnh đời họ. Các hình tượng qua sách sử và phim ảnh chỉ làm ta có thêm thiên kiến đôi khi không trùng hợp với thực tế.
Thử nhìn lại đời Khổng Tử. Ông sinh giữa thế kỷ thứ VI TCN (551) và mất năm 479. Nhà (Tây) Chu (từ năm 1122 TCN) đã suy tàn dần trước thời ông và biến thành nhà Đông Chu năm 771 sau cái họa Bao Tự, khi thời Xuân Thu bắt đầu. Lúc Khổng Tử ra đời nhà Chu chỉ còn làm vua bù nhìn và sử Tàu đang bước qua thời Chiến Quốc. Nhà Chu suy tàn không phải vì đạo đức xã hội suy tàn nhưng vì đó là một hiện tượng tự nhiên, kết quả của cơ chế phong kiến. Lúc nhà Chu thành lập, ai đó – có thể là Chu Công – đặt ra thuyết Thiên mệnh và quan niệm thiên tử để chính thức hóa địa vị nắm đầu chư hầu. Ai đó cũng đặt ra cái lệ “phong tước, kiến điền” cho chư hầu hay cho các công thần để được họ trợ lực khi cần. Phong và kiến đời này qua đời kia thì đất đai nguyên thủy của nhà Chu mất dần vào tay chư hầu và nhà Chu yếu dần. Các chư hầu thay vì an phận lại đi tranh dành đất với nhau và tới thời Khổng Tử thì đã có nhiều chư hầu hùng mạnh hơn vua nhà Chu; đủ mạnh để cả gan xưng vương và mạo nhận là ta cũng có thiên mệnh.
Khi ta nói đến thời Xuân Thu, Chiến Quốc, cả nước Tàu vẫn còn thuộc vào nhà Chu nhưng dân Tàu thời đó chắc không nghĩ thế vì họ là con dân của Tề, Tấn, Sở, Lỗ, v.v…. Và chúng ta cũng có khuynh hướng quên rằng mặc dù ta gọi các chư hầu đó là nước, trên thực tế họ có lẽ tương đương với tên gọi bộ lạc và đa số không có cơ chế chính quyền của một nước có vua quan. Thời đại đồ sắt bắt đầu phát triển bên Tàu quanh thời chiến quốc và không biết có ai đã tìm xem Khổng Tử và Lão Tử đã có dao sắt mà dùng chưa hay đang còn dùng đồ đồng. Chữ viết thời đó chưa còn phát triển lắm và chưa được thống nhất cho đến khi Tần Thủy Hoàng ra lệnh đốt sách ba thế kỷ sau. Ta thử đặt câu hỏi: Vua nhà Chu nắm được con dân và chư hầu vì họ là “thiên tử” và có “thiên mệnh”, thế vua các chư hầu thì sao? Họ lấy mệnh gì để xưng vua chúa? Nếu họ cũng có thiên mệnh thì Khổng Tử nên trung với vua nào? Khổng Tử mơ cái thời “thái bình, thịnh trị” của nhà Chu ngày xưa, nhưng vua nhà Chu vẫn còn đó khi ông lang thang với môn hạ tìm người đáng làm vua để mong phục hồi cái trật tự và đạo đức trên căn bản quân-sư-phụ cho nước Tàu.
Vì giấy chưa được phát minh và viết lên thẻ tre hay lụa không phải là chuyện đơn giản ai cũng có thể làm, người biết đọc biết viết trở thành giai cấp kẻ sĩ. Quan niệm quân-sư-phụ phát triển vì có chữ viết thì có thầy dạy và có giai cấp kẻ sĩ để làm thầy người khác. Khổng Tử đã lớn lên với cái trật tự quân-sư-phụ vì khuynh hướng con người, một sinh vật cộng đồng cần trật tự xã hội, Quân sư phụ chỉ tương đương với các alpha và beta males trong xã hội loài vật. Nhưng loài vật không đặt bày thiên mệnh hay xưng là con trời để được làm alpha male. Và tới lúc các chư hầu nước Tàu thời Xuân Thu trở thành mạnh hơn vua nhà Chu thì thiên mệnh chỉ là cái cớ để họ gây chiến với nước khác – người nào thắng thì được dân xem là có thiên mệnh – hay để dành địa vị vua. Lên làm vua kiểu đó thì không còn chánh danh nữa và ép dân tiếp tục thân phận hèn mọn chỉ vì xã hội cần trật tự quân sư phụ là chuyện phi lý. Cái trật tự quân sư phụ được đặt ra chỉ vì nhu cầu bảo vệ vai trò của đàn ông trên đàn bà trong một xã hội trọng nam khinh nữ.

Một quan niệm về giai cấp cũng được gán cho Khổng Tử là quan niệm quân tử, cho dù danh từ này đã được dùng từ đầu đời nhà Chu để gọi các giai cấp quý tộc và đại phu. Chữ tử có từ thời giáp cốt văn và là hình tượng của trẻ sơ sinh nên quân tử có nghĩa là con vua hay quý tộc Từ thời Xuân Thu, rất có thể là sau khi chữ viết đã khá phổ biến, từ quân tử được dùng để gọi giai cấp kẻ sĩ có học và đức hạnh. Điều không thấy ai nói đến là tiêu chuẩn quân tử chỉ dành cho đàn ông. Chấp nhận khái niệm quân tử là chấp nhận sự bất bình đẳng giữa hai phái nam-nữ. Cũng cái căn bản chauvinistic – trọng nam khnh nữ đó đã tạo nên các cơ cấu xã hội và tôn giáo trên thế giới. Trong thời đại bắt đầu tam thiên kỷ này với những đòi hỏi trầm trọng về bình đẳng nam-nữ mà còn cố níu kéo một trật tự xã hội đi ngược lại với tâm lý và sinh lý con người thì chỉ tạo thêm cớ cho sự tồn tại của các giáo điều Ki tô và Sharia (?).
Danh có chánh thì ngôn mới thuận. Chánh là một khái niệm trừu tượng và chủ quan. Chánh với người nói không hẳn trùng với ý người nghe muốn. Khi một chủ nghĩa thần quyền nhân danh thượng đế, Jesus, hay Mohamed để “trị”dân thì ta có Inquisition, hay Sharia. 

Inquisition có thể là chánh với giáo chức Ki Tô ở Spain ngày xưa nhưng không chánh với người dị giáo; sharia được tín đồ Hồi giáo tuân thuận nhưng khó mà được người vô tín ngưỡng như tôi đồng ý. Chính phủ Hà Nội nhân danh đảng Cọng Sản VN để hành sự cho nên không thuận lòng dân vì chủ nghĩa CS phi nhân bản. Và khó mà nói rằng đường lối chính trị của Hà Nội là chánh hay lập luận của Hà Nội là “thuận”.
Obama nhân danh tổng thống nước Mỹ thề bảo vệ quyền lợi mọi công dân Mỹ. Ông ta không nhân danh công dân thế giới nên không ngại ngùng gì khi dùng drones chống khủng bố ngoài lãnh thổ Mỹ, và không ngại dùng kế hoạch Prism của NSA để xâm phạm quyền tự do riêng tư của người không có quốc tịch Mỹ. Danh của Obama chánh với công dân Mỹ nhưng không hẳn đã chánh cho người Maasai ở Kenya, và Obama có vẻ có gốc Maasai.

Khổng Tử là một người chánh trực, và những gì ông nói, qua lời ghi chép của môn đệ bằng lối cổ văn Tàu nghe có vẻ chánh và thuận với tai mắt chúng ta; ngôn từ của Đức Khổng có được những người cầm quyền sinh sát đương thời xem là thuận chăng là chuyện khác. Ngài dắt một đám học trò lang thang trong mười mấy năm trong thời chiến quốc mong tìm chúa hiền phò trợ để trổ tài kinh bang tế thế. Cho dù cái danh quân tử của ngài thì chánh thật, lời nói của ngài có vẻ không thuận tai các vua chúa nên ngài mãi đi lang thang!


Đi lang thang một phần vì nhiều người Khổng Tử đến phò tá không phải là người đáng gọi là quân tử nên họ không thể thuận với cái lẽ chính danh. Nếu chúng ta đồng ý rằng nam-nữ phải bình đẳng thì thuận theo cái trật tự quân sư phụ hay ngũ luân không còn chính danh được nữa! Thuyết chính danh cũng tương đương với lý thuyết cọng sản, cả hai là những lý tưởng trừu tượng không thể áp dụng vào thực tế. Bắc Kinh và Hà Nội cổ xướng việc nghiên cứu tư tưởng Khổng Tử bây giờ để mong đánh lạc hướng con dân quên chuyện đòi hỏi bình đẳng giai cấp và nhân quyền. Khi ta còn nhai lại những gì người đời gán vào miệng Đức Khổng – và Phật, ta còn vô tình dự phần vào cái bẩy mị dân của các tên ma đầu chính trị.
Khi con người còn bị bản năng tình dục và thất tình lục dục chi phối, ta chỉ nên giới hạn thuyết “chính danh” cho cách học làm người thay vì học đòi làm chính trị gia. Học làm người không cũng đã khó rồi. Người đời nói nhiều về câu “Tu thân tề gia, trị quốc, bình thên hạ” như thể môt châm ngôn của Khổng Tử mà ai ai cũng có thể thực hành và ít người nghĩ ra rằng đây là bốn bước tuần tự mà những người có tài đức phải trải qua để đi vào sử sách. Chính danh là một phần của tu thân; làm chưa xong phần tu thân mà đã nghĩ đến chuyện lập gia đình thì khó mà giải quyết cái nạn nam-nữ-bất bình-quyền, khỏi cần nói gì đến kinh bang tế thế.

mirordor
[1] Danh dự và trách nhiệm
[2] Confucian Comeback: China Remains Divided Over Reviving its Ancient Sage

No comments:

Post a Comment