Cập nhật: 02:00 | 04/02/2014

Kỳ 1: Sáp nhập, tinh gọn để giảm bớt... quan
LTS: Nhằm góp phần làm sáng tỏ thêm nhân vật Nguyễn Trường Tộ
cũng như lý giải vì sao cùng thời đại ông, nước Nhật canh tân thành công
còn VN lại thất bại, Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với TS. Bùi Trân
Phượng, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen TP.HCM. TS. Phượng từng bảo
vệ luận văn cao học về Nguyễn Trường Tộ và tiến sĩ lịch sử tại Pháp.
![]() |
TS Bùi Trân Phượng. Ảnh: Hoasen.edu.vn |
Con người của hành động
Thưa TS Phượng, từ những nghiên cứu của mình, bà đánh giá đâu là
đặc điểm nổi bật ở Nguyễn Trường Tộ, khiến ông khác biệt và tiến bộ hơn
những nhà Nho cùng thời?
Nguyễn Trường Tộ là nhà Nho thực tế nhất mà tôi từng biết, ông không
chỉ là người nêu ý tưởng mà còn là con người hành động. Ông đã dành phần
lớn cuộc đời mình, dù ngắn ngủi, để thực hiện các ý tưởng của mình. Ông
hành động liên tục, mạnh mẽ, không được việc này thì làm việc khác, gần
như không ngừng nghỉ.
Ví dụ, ngay từ thời chiến tranh Việt - Pháp chưa xảy ra, ông đã
nghiên cứu tình hình thế giới, đã thấy trước VN trong cái thế có thể bị
xâm lược như nhiều dân tộc khác đã bị trước đó bởi sự phát triển của Tây
Âu. Nguyễn Trường Tộ đã đặt vấn đề với triều đình: "Tại sao một nhúm
nhỏ các quốc gia có thể đi khắp cùng thế giới, đi tới đâu cũng thắng
người ta, nó chiếm đất, cai trị người ta?".
Để trả lời cho được câu hỏi, Nguyễn Trường Tộ đã đọc rất nhiều sách,
đi rất nhiều nơi, gặp nhiều người, nghiên cứu cách đương đầu (nhưng đều
thất bại) của từng nước là nạn nhân của phương Tây. Ông tìm ra, sớm hơn
những người cùng thời vài chục năm, căn nguyên nằm ở sức mạnh KHKT của
phương Tây. Vì thế, muốn đương đầu với họ, chúng ta cũng phải có được
sức mạnh đó.
Không chỉ am tường nhiều lĩnh vực, Nguyễn Trường Tộ còn biết làm nhiều công việc, trong nhiều lĩnh vực và làm đến nơi đến chốn.
Ông vẽ thiết kế và chỉ huy thi công chủng viện lớn ở Sài Gòn, tham
gia thiết kế xây dựng, sửa chữa nhiều nhà cửa, cầu cống ở quê hương Nghệ
An.
Ông lặn lội ra nước ngoài thuê mướn người về đi khai mỏ. Nếu lúc đó
các chương trình khai thác thành công thì chúng ta đã đi trước cuộc khai
thác, vơ vét nguồn lợi của người Pháp rất lâu.
Bản thân Nguyễn Trường Tộ lúc ấy thuộc thành phần bị tình nghi, bị
loại ra ngoài vòng pháp luật. Ông là người công giáo, đã đi nước ngoài
nhiều lần, được các linh mục người Pháp tin dùng. Với "lý lịch" như vậy,
ông vẫn dám viết điều trần, gặp các quan đầu triều đình như Phan Thanh
Giản, Phạm Phú Thứ, Trần Tiễn Thành... Làm chính trị như Nguyễn Trường
Tộ đâu phải ai cũng làm được?
Còn mục đích canh tân của ông thì rõ ràng là để cứu nước, giữ chủ
quyền quốc gia. Ông hoàn toàn vì đất nước, dân tộc chứ không hề vụ lợi
gì cho mình.
Những nhà canh tân như Nguyễn Trường Tộ đã sớm nhận ra những hạn
chế, tác hại của Nho giáo với công cuộc đổi mới. Nhưng theo bà tại sao
Nho giáo lại "ăn sâu bám rễ" đến vậy ở những quốc gia như Việt Nam,
Trung Quốc?
Từ sau thời Tần Thủy Hoàng trở đi, các triều Hán, Đường, Tống,
Nguyên, Minh, Thanh đều lấy tư tưởng của Khổng Tử làm chính thống. Bởi
tư tưởng của Khổng Tử quá có lợi cho kẻ cầm quyền.
Xã hội yên trị ai mà chẳng muốn. Nhưng muốn yên trị thì dưới phải
phục tùng trên, từ trong gia đình cho đến xã hội đều phải có tôn ti trật
tự, vợ phục tùng chồng, con phục tùng cha, trẻ phụ tùng già. Ngoài xã
hội cấp dưới phải phục tùng cấp trên. Cao nhất là vua: "Quân sử thần tử,
thần bất tử bất trung...". Kẻ cầm quyền nào mà không bám vào đấy để cai
trị cho dễ.
Giờ đã là thế kỷ 21 mà một nước như Trung Quốc đã làm Cách mạnh rồi
vẫn khôi phục Viện Khổng Tử là vì thế. Thực ra bản thân Khổng Tử dù đề
cao tôn ti trật tự trên dưới nhưng ông cũng nhấn mạnh, trên phải xứng
đáng nằm trên để dưới toàn tâm toàn ý nằm dưới. Ông đã cẩn thận có ràng
buộc như vậy.
Mặt khác, lý tưởng hòa bình của Khổng Tử có cái vĩ đại ở chỗ, thời
loạn cần lấy nhân đức để cai trị. Nhưng vế sau này thường bị người cầm
quyền lờ đi. Hậu duệ của Khổng Tử, tức là giới Tống Nho đã "hóa thạch"
quan hệ trên - dưới và ai ngoi lên bị xem là "làm loạn", chẳng cho phép
thay đổi khiến nó trở nên tai hại.
Cái vĩ đại của Nguyễn Trường Tộ là ai cũng bằng lòng với nhận thức lấy xưa làm mẫu mực, lý tưởng thì ông nhận ra sự vô lý đó!
![]() |
Nguyễn Trường Tộ và Fukuzawa Yukichi |
Thế lực bảo thủ, hủ lậu luôn là lực cản
Thưa bà, cùng thời với Nguyễn Trường Tộ, nước Nhật Bản có nhà canh
tân Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát 1835 - 1901). Câu hỏi
nhiều người đặt ra là tại sao Nhật Bản, một đất nước khi ấy còn nghèo
hơn cả VN, cải cách thành công mà ta lại thất bại?
Thời ấy, vua Tự Đức đã cử các đoàn đi Pháp công tác. Một điều đáng
chú ý là những người được chọn đều phải là những người hiểu văn minh
phương Tây, thuận với việc giao thiệp với phương Tây.
Trong khi đó, lực lượng bảo thủ thì đông hơn số chấp nhận canh tân,
chấp nhận giao thương với phương Tây. Thế lực của họ cũng mạnh hơn, kể
cả khi những người canh tân ở vị trí rất cao như ông Phan Thanh Giản,
Trần Tiễn Thành.
Bởi vậy nên ông Phan Thanh Giản đi sứ về, kể lại những điều mắt thấy
tai nghe, sau đó làm bài Tự than rất nổi tiếng, "Từ ngày đi sứ tới Tây
kinh; Thấy việc Âu châu phải giật mình; Hết lời năn nỉ chẳng ai tin..."
Đây là hậu quả của việc đi sứ mở mang chỉ có người canh tân mới được đi,
còn người bảo thủ ở nhà.
Còn Nhật Bản thì khác. Họ cử đoàn đi gồm cả những người canh tân và
những người bảo thủ. Ẩn ý sâu sắc của người Nhật cải cách là cho những
người bảo thủ tận mắt chứng kiến và nghe thấy, không để họ ở nhà chẳng
biết gì rồi cứ phê phán bừa và ngáng trở cải cách.
Hơn nữa, dù suy nghĩ trái ngược, 2 phe vẫn làm việc với nhau được bởi
vì họ giống nhau ở lòng trung thành với Nhật Hoàng. Nhật hoàng lúc ấy
còn trẻ nhưng nói một tiếng thì canh tân, bảo thủ đều làm theo.
Còn người Việt miệng thì nói trung quân nhưng trong lòng chỉ chờ chực
cơ hội để dấy loạn. Phái canh tân không nổi loạn vì lo cải tổ, cải cách
vực dậy kinh tế, còn bên bảo thủ có nhiều phe nổi loạn tứ tung, triều
đình yếu ớt không có hậu thuẫn.
Một số ý kiến cho rằng, do Nhật Bản tiến hành cải cách từ dưới lên
nên thắng lợi, còn ta thì ngược lại, cải cách từ trên xuống nên thất
bại? Bà đánh giá thế nào?
Tôi không tán thành nhận định này! Nếu Nhật Bản không có Minh Trị
Thiên Hoàng thì làm sao có cuộc cải cách thành công? Minh Trị Thiên
Hoàng thực ra là một đứa trẻ, nghĩa là triều đình Nhật phải có một lực
lượng nào đó đủ sức mạnh để đưa Nhật Hoàng lên, nhân danh Nhật
Hoàng điều hành cải cách, canh tân đất nước chứ không phải đơn độc để
đến nỗi phải tự sát như Phan Thanh Giản hay bị giết như đại thần Trần
Tiễn Thành ở Việt Nam.
Thời Minh Trị Thiên Hoàng tạo ra môi trường, không khí cởi mở, hoặc
ít nhất là để yên, thì các nhà trí thức mới tiến hành các hoạt động cải
cách được chứ.
Không chỉ mở trường dạy kiến thức mới, các nhà cải cách Nhật còn dịch
sách, phát hành tài liệu, phổ biến tri thức phương Tây rộng rãi cho dân
chúng. Thử hỏi dưới chế độ quân chủ tập trung, một vài cá nhân đơn độc
có làm nổi những việc đó nếu Nhà nước không đồng ý?
Lịch sử cho thấy, tư tưởng cải cách, hay nói theo ngôn ngữ thời
trước là canh tân, không phải là thế mạnh của VN như các nước phương
Tây? Thậm chí, ngược lại tư tưởng bảo thủ có vẻ mạnh hơn?
Đúng vậy! Canh tân hay đổi mới ban đầu luôn là thiểu số, còn bảo thủ
là số đông. Các nước phương Tây có nhiều tư tưởng canh tân bởi họ đã
trải qua cuộc Cách mạnh công nghiệp. Tôi đã nghiên cứu sâu lịch sử nước
Pháp và thấy rằng, trước Cách mạng công nghiệp họ cũng chẳng khác gì ta.
Sự sáng suốt "vượt lên chính mình" của Nguyễn Trường Tộ cũng như sự
cầu thị của vua Tự Đức và các đại thần trong Cơ mật viện là điều kiện
cần nhưng chưa đủ để Việt Nam bước vào canh tân như Nhật Bản. Thế lực
bảo thủ, hủ lậu luôn là lực cản, nhân danh những thứ rất dễ lừa mị người
dân. Một phần do nhận thức, một phần do đặc lợi. Đó là bài học kinh
nghiệm đắt giá mà chúng ta luôn phải ghi nhớ.
Xin cảm ơn bà vì buổi trò chuyện hôm nay!
Duy Chiến (thực hiện)
Về ý kiến lên án vua Tự Đức (1829 - 1883) là người thiển cận,
bảo thủ khiến 58 Điều trần của Nguyễn Trường Tộ không được áp dụng, TS
Bùi Trân Phượng cho rằng:
Tôi đã đọc được thủ bút của Tự Đức trên bản Điều trần của Nguyễn
Trường Tộ. Nhà vua rất trân trọng, lắng nghe những điều mới lạ.
Vua nhà Nguyễn hồi ấy tiến bộ hơn ta nghĩ và sách sử chính thống
viết. Thử tưởng tượng, vua Tự Đức được nuôi dạy trong môi trường Nho
giáo từ trong trứng nước, làm gì cũng hay sợ phạm Nho phong.
Nhưng bằng tố chất thông minh, Tự Đức đã vượt ra khỏi cái bóng Nho
phong đè nặng. Ông trực tiếp đọc kỹ tất cả các bản Điều trần của
Nguyễn Trường Tộ, nghiêm túc đánh dấu và ghi chú vào đó. Cái gì quá
mới lạ, Tự Đức gọi cận thần lên hỏi rõ. Xong nhà vua đưa ra Cơ mật
viện để bàn bạc, thảo luận và căn dặn: "Những gì Tộ gửi từ trước đến
nay phải đóng thành tập để không lạc mất". Thử hỏi liệu có nhiều
nguyên thủ đứng đầu làm được như vậy?
Xin nói thêm là những điều trần phân tích của Nguyễn Trường Tộ rất
"nghịch nhĩ" với Nho giáo, tức là cũng rất trái tai nhà vua
Chưa hết, Tự Đức không chỉ lắng nghe mà còn cử một đoàn đi công tác
gồm có Nguyễn Trường Tộ và giám mục Gouchie người Pháp, nhận nhiệm vụ
của nhà vua qua Pháp thăm dò về ngoại giao tìm cách lấy lại đất Nam
kỳ và mua một số máy móc cơ khí, tuyển người về đào kênh, khai mỏ để
về xây dựng hạ tầng phát triển kinh tế. Đồng thời Nguyễn Trường Tộ
được giao mua thiết bị, mời thầy giáo về mở trường dạy nghề tại Huế.
Phái đoàn lênh đênh trên biển mấy tháng trời qua Pháp và trở về.
Hay tin tàu vừa cập bến, chở theo nhiều máy móc thiết bị, vua Tự Đức
đã hối hả xuống tận nơi xem và lệnh bố trí vào kho cất giữ cẩn thận.
Cái không may của dân tộc là máy móc thiết bị mở trường đã mua về
thì vào năm đó, năm 1867 thực dân Pháp chà đạp hiệp ước đã ký, dùng
mưu mô cưỡng chiếm tỉnh thành Vĩnh Long và 2 tỉnh thành còn lại, bức
tử Phan Thanh Giản (chứ không phải Phan Thanh Giản mở cửa dâng thành
cho Pháp lịch sử ghi).
Mất thêm 3 tỉnh miền Tây, quan đại thần Phan Thanh Giản tự sát, thì
làm sao mở trường thực hành tại Huế được? Mặt mũi nào, danh dự ở đâu
mà có thể mở trường Tây tại Kinh đô được? Không làm là điều dễ hiểu.
Tiếc thay, nếu mở được trường thực hành tại Huế vào năm 1867 thì đó sẽ
là bước canh tân tương đối sớm cho đất nước...
Bài viết hay.
ReplyDeletehttps://phongkhamhongphong.vn/chat-luong-phong-kham-da-khoa-hong-phong-phuong-3-quan-5-tphcm.html
https://www.anphabe.com/market-place/q/phong-kham-da-khoa-hong-phong-tot-khong/25213/answer
https://www.foody.vn/ho-chi-minh/phong-kham-da-khoa-hong-phong/binh-luan
https://www.youtube.com/watch?v=5KKlwRhCw8o