Trên đời này chẳng ai muốn đóng vai nghèo
khó, Thiên Chúa cũng không muốn con người phải sống nghèo khó, nhưng sự
nghèo khó lại luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người trong nhân loại.
Vì sao thế?
Cách đây không lâu, tại Mỹ, một người đàn
bà rất giàu có, trong ngân khoản của bà có đến 30 triệu Đôla, bà sống
một mình, không con cháu nào có thể sống với bà được, vì bản tính bà vừa
keo kiệt vừa tham lam. Bà keo kiệt đến nỗi bà cũng chẳng dám tiêu xài
gì cho mình, bà cất tiền trong kho lẫm, sống thui thủi bên con chó của
bà. Cuộc sống của bà buồn sầu làm cho bà ngày càng yếu đi. Một ngày kia,
khi biết mình không qua khỏi căn bệnh, bà làm tờ di chúc, bà chẳng biết
chia gia tài cho ai, cũng chẳng muốn cho ai, vì chẳng ai xứng đáng
hưởng gia tài ấy ngoài con chó của bà. Bà đã để lại di chúc cho con chó
ấy.
Câu chuyện này dẫn ta đến môt suy nghĩ về
tiền của. Tiền của không mua lấy tình thân, không nối kết anh chị em,
không làm cho phẩm giá con người sống xứng đáng hơn, nhất là không dùng
tiền mà sắm lấy Nước Trời, thì tiền của trở thành vô ích, thậm chí trở
thành tiền bạc tồi tệ nhất.
Trong bài Tin mừng hôm nay (Lc 12,
13-21), nhân có người đến xin Chúa xử kiện chia gia tài cho anh ta, Chúa
đã cảnh báo anh, qua đó Chúa muốn nói với chúng ta ý thức về tiền bạc,
về sự tham lam tiền bạc, Ngài bảo: “Anh em phải coi chừng, phải giữ
mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người
được đảm bảo nhờ của cải đâu”.
Thánh Luca không nói rõ “mạng sống”
ở đây phải hiểu theo nghĩa nào. Đó là sự sống thế tạm hay là sự sống
vĩnh cửu. Có lẽ cách hiểu thích hợp nhất chính là hiểu theo cả hai
nghĩa. Của cải vật chất không thể đảm bảo cho người ta được sống, dù là
sự sống thế tạm, và nhất là sự sống đời đời.
Sau đó ngài minh họa bằng dụ ngôn người phú hộ thu tích của cải và hưởng lạc thú ở đời. Chúa kết luận dụ ngôn: “Thiên
Chúa bảo ông ta: ‘Đồ ngốc! Nội đêm nay người ta sẽ đòi lại mạng ngươi,
thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?’Ấy kẻ nào thu tích của cải
cho mình, mà không làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như
thế đó”.
Chúng ta thấy người phú hộ bị coi là ngốc
không phải vì ông tham lam, không phải ông làm giàu cách bất chính, hay
vô luân bóc lột người khác, cũng không phải vì những toan tính quản lý
khối tài sản ông có được. Nhưng ông bị coi là ngốc, vì đã không tính đến
một yếu tố căn bản: đó là sự chết, và qua cái chết là đích đến của cuộc
đời ông. Ông lo tích trữ của cải và hưởng lạc thú ở đời này, mà quên đi
việc tích trữ của cải cho đời sau.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có
cái nhìn đúng đắn về của cải vật chất. Của cải tự nó không có gì xấu, nó
còn là một thực tại tốt lành khi ta biết sử dụng nó cách chính đáng.
Của cải chỉ trở nên xấu khi coi nó là tất cả mà quên đi chương trình của
Thiên Chúa về cuộc đời chúng ta. Có nhiều bạn trẻ quan niệm: ‘Có tiền
là có tất cả, tiền là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là
cái đà bước lên thang cấp, có tiền mua tiên cũng được’. Như thế ta đã
bị nô lệ cho đồng tiền.
Cũng vậy, làm lụng để nuôi thân và chăm
sóc gia đình là bổn phận tự nhiên của con người. Không hoang phí, dành
dụm để phòng khi cơ nhỡ là việc chính đáng. Nhưng Chúa muốn những ai đi
theo Chúa hãy ghi nhớ về mục đích tối hậu cần phải đạt tới là sự sống
đời đời. Bài đọc I nói với chúng ta về sự phù vân ở đời này. Bài đọc II,
thánh Phaolô nhắc nhớ đến sự tìm kiếm những giá trị Nước Trời, nơi Đức
Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa.
Vậy tham dự thánh lễ hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy duyệt xét lại đời sống mình:
- Chúng ta đến với Chúa Giêsu hằng ngày
vì Người là Đức Chúa, hay vì mong Người giải quyết các vấn đề liên quan
đến tài sản vật chất.
- Chúng ta có đặt Chúa lên trên hết, tin
nhận Người là Chúa là chủ cuộc đời chúng ta không, hay tiền bạc làm chủ
ta? Đừng vì tiền bạc thống trị mà xa rời Thiên Chúa, phủ nhận Người là
Chúa của đời ta.
- Chúng ta không thể tìm được bảo đạm cho
sự sống mình nơi tài sản vật chất, nhưng bằng những nhân đức việc làm
bác ái của chúng ta. Vậy đừng có tham lam, keo kiệt, nhưng hãy biết sẻ
chia phân phát cho anh chị em mình. Cái kho vật chất sẽ trở thành kho ân
sủng, khi ta biến nó từ sự tích trữ thành nơi phân phát, đó là ta đang
làm giàu trước mặt Thiên Chúa.
Lm. TRẦN TRÍ TUỆ, DCCT
No comments:
Post a Comment