Sunday, May 20, 2012

Lần đầu tiên, đội Việt Nam giành chiến thắng lớn tại ISEF 2012

(Dân trí) - Đội Việt Nam vừa bất ngờ đoạt giải Nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí tại ISEF 2012, sau khi “tịt ngòi” ở các giải thưởng phụ. Đây là lần đầu tiên Việt Nam đoạt giải, và lại là giải nhất, đem lại cảm xúc dâng trào.
 >>  Thí sinh gốc Việt “bội thu” tại ISEF 2012
 >>  Người Việt hội ngộ bất ngờ trên “sân đấu” ISEF 2012
 >>  Gặp nhóm HS Trường Ams trước khi lên đường sang Mỹ thi ISEF



Đội Việt Nam đeo huy hiệu dành cho những người đoạt giải nhất
Có thể nói đội Việt Nam gồm các em Trần Bách Trung, Bùi Thị Quỳnh Trang và Vũ Anh Vinh đến từ trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã tạo nên bất ngờ lớn và làm nên kỳ tích, bởi mặc dù không đoạt giải phụ nào nhưng đã giành giải Nhất trong lĩnh vực mình dự thi.

Trước đó, tại lễ trao các giải đặc biệt của ISEF 2012 do các cơ quan chính phủ các nước, các tổ chức, hiệp hội, các doanh nghiệp... trao tặng vào tối 17/5 (giờ địa phương, tức sáng 18/5 giờ Hà Nội), đội Việt Nam không nhận được giải nào và tưởng chừng sẽ phải ra về tay trắng. Nhưng tại lễ trao giải chính thức, diễn ra vào sáng 18/5 (giờ địa phương, tức tối 18/5 giờ Hà Nội), các em đã trở thành những thí sinh trong nước đầu tiên bước lên bục vinh quang của ISEF.

Vượt qua rất nhiều đối thủ nặng ký đến từ khắp các châu lục, đội Việt Namđã được chọn trao giải Nhất của lĩnh vực Điện và Cơ khí. Trong số 17 lĩnh vực của ISEF, mỗi lĩnh vực có từ 2-3 giải Nhất, mỗi giải trị giá 3.000 USD. Sau đó, Ban Giám khảo lại chọn trong số 2-3 giải này để trao tiếp giải đặc biệt trị giá 5.000 USD của lĩnh vực đó. Ở hạng mục này thì đội Việt Nam đã phải nhường bước cho một đối thủ của Mỹ.
Lễ trao giải ISEF 2012 vừa kết thúc, đội Việt Nam (khu vực giữa, hàng trên) lên nhận giải nhất trên sân khấu chính

Chia sẻ sau khi đoạt giải, cả 3 thí sinh Việt Nam đều bày tỏ sự xúc động và niềm tự hào mãnh liệt. Trung cho biết, các em sẽ sử dụng giải thưởng này để tiếp tục công cuộc nghiên cứu. Còn Vinh thì nói, sau khi về Việt Nam thì việc đầu tiên cần làm sẽ là “ngủ một giấc thật đã”. Quả thực, sự căng thẳng và mệt mỏi luôn thường trực trên nét mặt các em suốt mấy ngày qua. Nhưng ngay sau khi giải thưởng được công bố, hẳn là những mệt nhọc đó đã “bay” đi khá nhiều.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, chuyên viên Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, người luôn theo sát nhóm thí sinh Việt Nam, rạng rỡ nói: “Lần đầu tiên đoàn Việt Nam đoạt giải tại ISEF mà lại đoạt giải cao, tôi xúc động quá. Từ hôm qua tới giờ cả đoàn thấp thỏm, mong được giải phụ là mừng lắm rồi nhưng không có, hôm nay nhìn giải tư, rồi giải ba, giải nhì trôi qua, đã nghĩ hết hy vọng, nhưng khi nghe “Hà Nội - Việt Nam” xướng lên ở phần Giải Nhất thì cả đoàn suýt “rụng tim”, vỡ òa vì vui sướng”.
Nhóm học sinh Việt Nam (từ trái qua: Bùi Thị Quỳnh Trang, Vũ Anh Vinh, Trần Bách Trung) giới thiệu công trình cho khách tham quan tại ISEF 2012, diễn ra ở Mỹ.

Tình cờ, trong số 8 vị giám khảo chấm bài của nhóm Việt Nam lại có một người Việt, ông Nhiem Nguyen, một kỹ sư điện tử sống và làm việc tại bang Pennsylvania. Theo ông Nhiem, khi được ISEF mời làm giám khảo, ông không biết sẽ được chấm ai mà việc phân chia giám khảo - thí sinh là do máy tính thực hiện tự động và ngẫu nhiên. Ông cũng không hề biết trước là sẽ có người Việt sang dự thi. Tuy nhiên, khi tiếp cận với công trình của các em thì ông Nhiem thực sự ấn tượng và đã nêu ý kiến của mình với hội đồng giám khảo rằng: “Công trình của nhóm Việt Nam rất đơn giản mà sáng tạo, không tốn kém mà lại có thể mang lại tác động lớn tới cộng đồng nơi các em sống”. Kết quả, hội đồng đã đồng thuận chấm giải Nhất cho các em.

Trung, Trang và Vinh cùng bày tỏ sự cảm ơn vô bờ bến tới gia đình, các thầy cô, bạn bè đã giúp đỡ, ủng hộ hết mình trong suốt quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và dự thi, cũng như Intel đã tạo điều kiện cho các em đi nửa vòng trái đất để góp mặt cùng bè bạn khắp thế giới trong một cuộc thi đầy ý nghĩa. Thông điệp các em đưa ra cho những bạn bè dự thi các năm sau là: “Hãy tự tin và mạnh mẽ, các bạn sẽ đạt được mục tiêu!”.


Sau khi giành tới 3 giải phụ, Vũ Mai Anh dừng bước ở giải Tư lĩnh vực Hóa học. Vanna Nga Hovanky cũng dừng ở giải Tư lĩnh vực Y học. Còn Kevin Anh Nguyen giành giải Nhì lĩnh vực Hóa học. Như vậy, đội từ ViệtNam không chỉ gây bất ngờ vì đoạt giải, mà còn đoạt giải cao nhất so với các bạn bè gốc Việt.
  
Giải Nhất ISEF 2012: “Cú hích” vào giới trẻ
(Dân trí) - Trước sự kiện 3 HS Trường THPT Hà Nội-Amsterdam đoạt giải Nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí tại ISEF 2012, GS Vật lý Hà Huy Bằng-ĐHQGHN khẳng định: “Đây là cú hích trong NCKH của giới trẻ”. Bộ GD-ĐT sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho các em nghiên cứu phát triển đề tài.
 >>  Video đội Việt Nam chia sẻ sau chiến thắng tại ISEF 2012
Ba học sinh trường THPT Amterdam - Hà Nội (từ trái qua phải: Vũ Anh Vinh, Bùi Thị Quỳnh Trang và Trần Bách Trung) đoạt giải nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (Intel ISEF) 2012 tại Mỹ. (Ảnh: Tuấn Anh)
Cú hích trong giới trẻ!
Với đề tài “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt”, 3 học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam (Vũ Anh Vinh, Bùi Thị Quỳnh Trang và Trần Bách Trung) đoạt giải nhất lĩnh vực Điện và Cơ khí tại Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF) 2012. Cuộc thi do Hội Khoa học và Công chúng Hoa Kỳ tổ chức từ năm 1950. Năm nay, cuộc thi được tổ chức tại thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ), từ ngày 14-18/5 với sự tham gia của hơn 1.500 thí sinh đến từ 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chia sẻ niềm vui với các học sinh đoạt giải, Giáo sư Vật lý Hà Huy Bằng - ĐHQGHN cho biết: “Thật tuyệt vời khi biết các em đoạt giải tại cuộc thi lớn như thế này vì đây là kỳ thi có tính chất ứng dụng khoa học trong cuộc sống, rất bổ ích cho học sinh. Giải thưởng tuyệt vời hơn nữa bởi những kiến thức kinh viện trong các cuộc thi Olympic Toán học, Vật Lý hay Sinh học… mặc dù là bài giải khó nhưng mang tính chất hàn lâm như trong âm nhạc cổ điển chứ không được lấy ra từ ứng dụng cuộc sống mang tính chất khoa học thiết thực như cuộc thi này”.
GS Bằng cho rằng: “Hiện nay các nhà khoa học, các nhà quản lý chưa quan tâm nhiều tới lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở học sinh. Giải thưởng cuộc thi này chính là cú hích như giải thưởng Fields của GS Ngô Bảo Châu trong nghiên cứu khoa học trong học sinh”.
Vui, vinh dự tự hào khi học sinh của Hà Nội đoạt giải cao tại cuộc thi uy tín này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Nguyễn Hiệp Thống cho biết: “Chúng tôi hết sức bất ngờ và vô cùng tự hào. Bất ngờ vì ban đầu khi cử các em đi thi, thấy tầm vóc cuộc thi quá lớn, với rất nhiều lĩnh vực đa dạng trong khoa học và đời sống, với ban giám khảo là những nhà khoa học nghiêm túc, dày dạn kinh nghiệm và yêu cầu nhiều điều kiện nghiêm ngặt nên chúng tôi cũng chỉ mong muốn các em tham gia để được học hỏi kinh nghiệm trên sân chơi KHKT quốc tế. Đây không phải lần đầu tiên VN cử học sinh tham dự cuộc thi này, nhưng cả 3 lần trước chúng ta đều chưa đạt giải. Vì thế chúng tôi nghĩ nếu các em đạt được bất kì một kết quả nào cũng đã là rất đáng quý. Không ngờ các em đã vượt qua cuộc thi đầy khó khăn như cuộc thi này ở Hoa Kỳ và đã đoạt giải nhất”.
“Nhiều năm qua, học sinh của chúng ta vẫn thường giành được giải cao trong các cuộc thi lý thuyết về khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh hoặc một số bộ môn khác nhưng đối với những cuộc thi phải ứng dụng các trang thiết bị, các phòng lab thì thường rất khó khăn vì điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất trong nước còn hạn chế. Việc nhóm học sinh trường Chuyên Hà Nội - Amsterdam giành được giải cao trong cuộc thi này càng chứng tỏ nếu được nhà nước đầu tư xứng đáng thì trí tuệ của học sinh chúng ta hoàn toàn có thể sánh vai được với HS các nước phát triển trên thế giới” - ông Thống bày tỏ.

Nhóm học sinh Việt Nam giới thiệu công trình cho khách tham quan tại ISEF 2012, diễn ra ở Mỹ. (Ảnh: Tuấn Anh)
Là người nghiên cứu về sinh thái và thủy văn học, PGS.TS Phạm Văn Điển, trường ĐH Lâm Nghiệp Việt Nam nhận định, công trình của ba em học sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam đoạt giải nhất quốc tế là rất cần thiết và có ý nghĩa lớn. PGS Điển cho biết: “Tôi rất trân trọng những thành quả mà các em đã đạt được trong điều kiện nghiên cứu còn gặp nhiều khó khăn và tuổi đời còn trẻ. Trong công trình này, các em đã xác định vấn đề cần giải quyết có tầm quan trọng lớn và có ý nghĩa toàn cầu (vấn đề khủng hoảng tài nguyên nước ngọt, thiếu công nghệ để giải quyết). Phương hướng nghiên cứu của công trình cũng sáng tạo và có triết lý hay (chuyển từ nguồn nước mặn - vốn đang dư dật sang nguồn nước ngọt - vốn đang khan hiếm, chuyển hóa bằng công nghệ sạch và tiên tiến - kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời). Xin chúc mừng các em đã đoạt giải nhất quốc tế về công trình này”.
Sẽ hỗ trợ các em tiếp tục nghiên cứu triển khai đề tài
Phấn khởi khi học sinh Việt Nam lần đầu tiên đoạt giải cao tại cuộc thi ISEF, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý khẳng định: “Đây là niềm tự hào lớn của Việt Nam. Các em đã mang những điều bình thường trong cuộc sống hàng ngày để sáng tạo nên ý tưởng trong đề tài nghiên cứu khoa học hữu ích. Bộ sẽ dành kinh phí để hỗ trợ cho các em tiếp tục nghiên cứu phát triển đề tài”.
Tuy nhiên, PGS Phạm Văn Điển lại băn khoăn, cho rằng: Điều tôi băn khoăn là Nhà nước và các cơ quan quản lý nghiên cứu sẽ có hành động như thế nào để những công trình nghiên cứu tốt, trong đó có công trình của các em học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam nêu trên, được tiếp tục thực hiện, hoàn thiện và có thể phát huy vào sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đời sống. Đừng để công trình khoa học chết trẻ. Khoa học phải được đi vào đời sống, phục vụ cuộc sống. Bởi vì hiện nay, việc nghiên cứu sâu về lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật - công nghệ ở nhiều trường đại học nước ta còn rất hạn chế. Nguyên nhân chính là do thiếu cơ chế phù hợp của nhà nước cho nghiên cứu và sáng tạo, khan hiếm về tài nguyên chất xám, thiếu thốn trang thiết bị nghiên cứu và những hạn chế trong việc hiện thực hóa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Nhiều trường đại học chỉ có thể lấy hoạt động đào tạo làm chính, ít có điều kiện phát triển các hoạt động nghiên cứu, trong đó nghiên cứu cơ bản vẫn là một thách thức lớn, chưa được phát triển tương xứng”.
Thứ trưởng Quý cho hay: “Phong trào nghiên cứu khoa học trong học sinh được phát động trong 3 năm trở lại đây đã có kết quả đáng mừng, điển hình nhất là giải thưởng ISEF mặc dù hiện nay phong trào này mới chỉ được các tỉnh, thành phố lớn triển khai. Giải thưởng của các em sẽ làm cho các nhà quản lý quan tâm hơn tới sự sáng tạo nghiên cứu khoa học của các em học sinh ở địa phương mình. Trong năm tới, để tăng cường nghiên cứu khoa học trong giới trẻ, Bộ phối hợp với TƯ Đoàn tiếp tục phát động nghiên cứu khoa học trong học sinh, bởi sự sáng tạo của học sinh rất phong phú gần gũi với đời sống hàng ngày”.
Tóm tắt Đề tài: “Xử lý nước mặt thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt”.

Xử lý nước mặn đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt hiện nay. Điểm mới của đề tài là thiết kế được hệ thống xử lý nước mặn bằng cách kết hợp kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời.

Thiết bị ejector tạo chân không và làm nước sôi ở nhiệt độ thấp (~500C). Năng lượng mặt trời được cung cấp để duy trì quá trình sôi. Kết quả thu được nước cất có thể được sử dụng cho cuộc sống hàng ngày.

Cơ sở lý thuyết của dự án bao gồm lý thuyết về hệ thống bơm-ejector, lý thuyết bức xạ mặt trời, quá trình truyền nhiệt và độ dịch điểm sôi của nước muối.

Những lý thuyết này đã được sử dụng để xác định các thông số hoạt động của hệ thống. Các thí nghiệm cũng được tiến hành để xác định các thông số làm việc của ejector hút chân không và điểm sôi của nước muối.

Hệ thống xử lý nước mặn có thể chưng cất được  đến 9,7 lít nước mỗi ngày và sử dụng 63,5 Wh cho 1 lít nước ngọt. Sự khác nhau giữa mô phỏng lý thuyết và thức nghiệm là ~63.5%.


Hồng Hạnh

4 comments:

  1. Những nỗ lực và thành công trong quá trình học hỏi nghiên cứu của các em đã góp phần xứng đáng làm vinh danh Nước Việt, thể hiện lòng biết ơn cha mẹ, thầy cô và tất cả mọi người đã nhiệt thành quan tâm giúp đỡ các em thực hiện ước mơ của mình cho 1 tương lai VN tươi sáng hơn lên

    ReplyDelete
  2. Những em dự thi này phải trình bày đề tài khoa học của mình bằng tiếng Anh. Các em còn có 1 không gian để post các hình ảnh, sơ đồ biểu thị công việc của em. Từng giám thị sẽ gặp gỡ trao đổi riêng với thí sinh.
    Thí sinh dự thi quốc tế tại Mỹ đã được tuyển chọn từ nhiều học sinh tại một số trường trong cả nước.
    Huế cũng là 1 đơn vi tô chức thi vòng loại.

    ReplyDelete
  3. Dạ, nhiều em học sinh bây giờ giỏi, thông minh và năng động lắm.

    ReplyDelete